Cầu Việt Trì mới vượt sông Lô sẽ được Bộ GTVT và các nhà đầu tư khởi công xây dựng vào ngày 30/11 tới. Khi cầu xây dựng xong đưa vào khai thác sẽ giảm tải rất nhiều cho cầu cũ, cầu cũ đã xuống cấp, quá tải, thường xuyên ùn tắc nghiêm trọng, đồng thời tạo thuận lợi cho đồng bào cả nước mỗi khi về dâng hương tưởng niệm tại Đền Hùng - Khu di tích quốc gia đặc biệt.
Cầu Việt Trì cũ có chiều dài gần 373m, rộng 20,2m là cầu đi chung giữa đường bộ và đường sắt tuyến Hà Nội - Lào Cai. Cây cầu đang trở nên quá tải nghiêm trọng và là “nút thắt” trên tuyến QL2 từ Vĩnh Yên lên Việt Trì. Do đưa vào khai thác đã lâu, cầu thường xuyên hư hỏng, xuống cấp, ảnh hưởng lớn đến lưu thông của phương tiện tham gia giao thông.
Tình hình giao thông trên tuyến càng trở nên phức tạp và nguy cơ ùn tắc lớn hơn khi mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ đã có văn bản chỉ đạo việc bảo đảm giao thông phục vụ sửa chữa cầu Việt Trì. Thời gian kéo dài từ ngày 22/11 đến 18/12/2013. Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ giao Công an tỉnh chủ trì, phối hợp với UBND thành phố Việt Trì, Sở GTVT, các cơ quan liên quan thực hiện hướng dẫn, phân luồng giao thông khu vực thi công sửa chữa cầu Việt Trì, tăng cường tuần tra kiểm soát bảo đảm ATGT đối với các tuyến đường bộ phân luồng để thi công sửa chữa cầu.
Anh Lê Văn Hùng, lái xe khách đường dài tuyến QL2 Hà Nội - Yên Bái rất lo ngại mỗi khi phải đi qua khu vực cầu Việt Trì cũ. Anh Hùng cho biết, do cầu phải sửa chữa thường xuyên nên chỉ cho lưu thông trên một làn. Mỗi lần có tàu chạy hoặc phương tiện đông là ùn ứ ngay. “Có khi phải chờ đợi vài chục phút mới qua được cầu. Tình trạng chen lấn nhau lên cầu càng khiến khu vực này mất trật tự ATGT hơn” - anh Hùng nói.
Cầu mới dành riêng cho đường bộ
Trước áp lực quá tải và ùn tắc do phải đi chung giữa đường bộ và đường sắt, việc đầu tư xây dựng cầu mới dành riêng cho giao thông đường bộ là rất cấp bách. Ông Cấn Hồng Lai - Tổng Giám đốc Cienco 1 cho biết, QL2, nhất là đoạn qua cầu Việt Trì có lưu lượng giao thông lớn, nhưng thường xuyên chỉ cho lưu thông 1 làn và đi chung với đường sắt là rất bất cập và là lực cản lớn cho sự phát triển kinh tế - xã hội của Phú Thọ, cũng như các tỉnh miền núi phía Bắc.
“Xây dựng cầu và đường hai đầu cầu Việt Trì mới vượt sông Lô sẽ đảm bảo đáp ứng nhu cầu giao thông thông suốt trên QL2 từ tỉnh Vĩnh Phúc đến Phú Thọ, tạo điều kiện thuận lợi về giao thông để phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng cho tỉnh Phú Thọ và các tỉnh phía Bắc. Dự án hoàn thành, đưa vào khai thác sẽ tạo cơ sở hạ tầng thuận lợi để thành phố Việt Trì trở thành đô thị loại 1 vào năm 2015 và góp phần giảm thiểu ùn tắc, tai nạn giao thông trên cầu Việt Trì cũ, phục vụ đồng bào cả nước và kiều bào nước ngoài hàng năm tham quan và dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng tại Khu Di tích Lịch sử đặc biệt quốc gia Đền Hùng”- ông Lai nói.
Theo quyết định phê duyệt dự án của Bộ GTVT, cầu Việt Trì mới dành riêng cho giao thông đường bộ, qua sông Lô sẽ được triển khai theo hình thức hợp đồng BOT. Liên danh nhà đầu tư là Cienco 1 - Công ty TNHH Sản xuất thương mại dịch vụ Yên Khánh - Công ty Cổ phần Phát triển đầu tư Thái Sơn - Bộ Quốc phòng. Doanh nghiệp dự án là Công ty CP BOT cầu Việt Trì. Tổng vốn đầu tư dự án giai đoạn trước mắt là hơn 1.900 tỷ đồng. Dự kiến cầu sẽ hoàn thành, đưa vào khai thác trong năm 2015.
Các hạng mục chính của dự án bao gồm phần cầu Việt Trì mới bắc qua sông Lô và phần đường dẫn phía Vĩnh Phúc, Phú Thọ và các cầu trên đường dẫn. Điểm đầu dự án sẽ kết nối vào QL2 mới thuộc địa phận xã Việt Xuân, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc tại lý trình Km0+00, cách QL2 hiện tại về bên phải khoảng 1,1km (tương ứng khoảng lý trình Km50+200 QL2). Điểm cuối tuyến vượt sông Lô bằng cầu Việt Trì mới (về phía thượng lưu cầu Việt Trì hiện tại khoảng 270m). Trước mắt, dự án sẽ kết nối với đường trục chính Hùng Vương, giai đoạn hoàn chỉnh kết nối với đường Âu Cơ vành đai thành phố Việt Trì. Khu vực này sẽ được thiết kế tổ hợp các nút giao.
Giai đoạn trước mắt, dự án sẽ đầu tư xây dựng tuyến chính từ Km0+600 đến Km3+712 nối nút giao đường Hùng Vương với chiều dài tuyến 3.112m và xây dựng đoạn tuyến nhánh nối nhanh QL2 ở bờ Vĩnh Phúc với chiều dài tuyến khoảng 1.066m. Giai đoạn sau sẽ đầu tư thêm đoạn tuyến chính nối từ điểm đầu dự án (Km0, kết nối với Dự án mở rộng QL2) đến Km0+600 (phía bờ Vĩnh Phúc). Tuyến nối từ đường dẫn cầu Việt Trì đến đường Âu Cơ, cầu vượt và đường dẫn đầu cầu.
Hoàn vốn sau 20 năm 8 tháng
Liên quan đến vấn đề hoàn vốn cho dự án, trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Quách Bá Vương - Giám đốc Công ty CP BOT cầu Việt Trì cho biết, nhà đầu tư sẽ huy động vốn chủ sở hữu và vốn vay để đầu tư xây dựng và thu hồi vốn thông qua thu phí. Doanh thu từ thu phí để hoàn vốn được xác định trên cơ sở dự báo lưu lượng xe, thời gian dự kiến từ quý IV/2015. Thời gian hoàn vốn cho dự án khoảng 20 năm 8 tháng.
Về mức thu phí, theo Quyết định 2932/QĐ-BGTVT phê duyệt dự án của Bộ GTVT, trước năm 2016 sẽ thu bằng 2 lần mức thu phí đường bộ đầu tư bằng vốn ngân sách Nhà nước quy định tại Thông tư 90/2004/TT-BTC. Từ năm 2016, mức thu bằng 3,5 lần, có chiết giảm xe nặng.