Sau nhiều năm trễ hẹn, trong tháng 2 năm 2018, Tập đoàn Siam Cement (SCG) Thái Lan khởi công xây dựng Nhà máy hóa dầu Long Sơn (xã Long Sơn, TP. Vũng Tàu). Đây là Tổ hợp Hóa dầu độc lập đầu tiên tại Việt Nam có quy mô sản xuất lớn với công suất lên đến 1,6 triệu tấn Olefin/năm, tổng mức đầu tư ước tính 5,4 tỷ USD. Theo kế hoạch, Nhà máy hóa dầu sẽ vận hành thương mại vào năm 2020.
Dự án Tổ hợp Hóa dầu Long Sơn được cấp phép đầu tư từ năm 2008. Đến nay, sau nhiều lần điều chỉnh, dự án đã được nâng tổng mức đầu tư ban đầu từ 3,7 tỷ USD lên 5,4 tỷ USD. Đây là công trình trọng điểm Nhà nước về dầu khí do Công ty TNHH Hóa dầu Long Sơn (LSP) làm chủ đầu tư. LSP là liên doanh giữa PetroVietnam - PVN (góp 29% vốn) và Tập đoàn SCG của Thái Lan (góp 71% vốn).
Dự án có tổng diện tích 464ha, nằm trong KCN Dầu khí Long Sơn (TP. Vũng Tàu); trong đó, 398ha xây dựng nhà máy (gồm 10 nhà máy, công suất chế biến 2,7 triệu tấn nguyên liệu/năm), 66ha đất xây dựng các công trình phụ trợ khác như cảng, cầu tàu, các kho chứa hàng, nhà máy điện…
Theo thiết kế, dự án Tổ hợp Hóa dầu Long Sơn có khả năng sản xuất 1,6 triệu tấn Olefin/năm với công nghệ nghiền linh hoạt từ các nguyên liệu như ê-than, proban, napta… Ngoài ra, với công nghệ nghiền tích hợp, nhà máy còn có thể sản xuất thêm các sản phẩm đa dạng như polyethylene (PE), polypropylene (PP) và vinyl chloride monomer (VCM). Các sản phẩm của tổ hợp này là nguyên liệu đầu vào cho các lĩnh vực sản xuất bao bì, tơ sợi, linh kiện ô tô, thiết bị điện tử… phục vụ chủ yếu cho nhu cầu trong nước, thay thế các sản phẩm nhập khẩu ở Việt Nam.
Từ tháng 8-2017, BR-VT đã hoàn tất công tác giải phóng mặt bằng cho dự án. Ông Roongrote Rangsiyopash, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc của SCG cho biết: SCG đã đầu tư 30 tỷ baht (khoảng 20,4 ngàn tỷ đồng) vào dự án này, chủ yếu để mua quyền sử dụng đất và giải phóng mặt bằng. Đây là một trong những dự án có vốn đầu tư lớn nhất của tập đoàn tại ASEAN.
Theo kế hoạch, trong tháng 2 năm 2018, SCG sẽ khởi công xây dựng dự án. Thời gian xây dựng 4 năm rưỡi và bắt đầu hoạt động thương mại vào khoảng nửa đầu năm 2020. PVN và SCG dự kiến vay vốn ngân hàng 3,2 tỷ USD trong tổng số 5,4 tỷ USD cho dự án này và sẽ góp phần còn lại từ vốn tự có. Trong quá trình xây dựng, dự án sẽ tạo ra 15.000 - 20.000 việc làm. Khi đi vào vận hành thương mại, dự án sẽ tạo ra trên 1.000 việc làm và đóng góp cho ngân sách quốc gia 115 triệu USD/năm (khoảng 2.500 tỷ đồng/năm) trong suốt 30 năm kể từ khi đi vào hoạt động.
Để bảo đảm hoạt động, Tổ hợp Hóa dầu Long Sơn đã có hợp đồng cung cấp nguyên liệu với Công ty Kinh doanh dầu mỏ quốc tế Qatar (Qatar International Petroleum Marketing Company Ltd - Tasweeq) và đang đàm phán ký phụ lục hợp đồng điều chỉnh một số điều khoản tạo điều kiện tiếp tục duy trì hợp đồng cung cấp nguyên liệu dài hạn đã ký trước đây.
Tới nay, Công ty TNHH Hóa dầu Long Sơn cũng đã phê duyệt kết quả lựa chọn và có thư trao thầu (LOA) cho các nhà thầu trúng thầu của các gói thầu EPC chính. Hiện Công ty TNHH Hóa dầu Long Sơn đang khẩn trương hoàn thành và trình kết quả lựa chọn nhà thầu của gói thầu EPC còn lại
Nguồn: Báo Bà rịa Vũng tàu